Phân biệt giữa pháo nổ và
pháo hoa
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi
dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh
nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa
nghệ thuật. Đây là một trong những nội dung tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP về
quản lý, sử dụng pháo vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành từ
ngày 11/01/2021, thay thế Nghị định 36/2009/NĐ-CP.
Theo Nghị định, pháo hoa là sản phẩm được chế
tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích
cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong
không gian, không gây ra tiếng nổ.
Còn pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất
thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa
hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc
trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong
không gian được gọi là pháo hoa nổ.
Theo Nghị định, cơ quan, tổ chức, cá nhân khi
sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép
sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Nghị định nêu rõ, việc nghiên cứu, sản xuất pháo
hoa, thuốc pháo hoa do tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện và phải
đảm bảo các điều kiện theo quy định.
Nghị định nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản
xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt pháo
nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng
Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp,
vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này. Nghiêm cấm
nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận
chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.
(Nguồn Thông tin Chính phủ)