Hội đồng luật sư toàn quốc hướng dẫn các
Đoàn luật sư tổ chức Đại hội nhiệm kỳ
Ngày 06 tháng 3 năm 2023, Hội đồng
Luật sư toàn quốc ban hành Hướng dẫn số 01/HD-HĐLSTQ về việc hướng dẫn tổ chức
Đại hội nhiệm kỳ. Theo đó, Đại hội nhiệm kỳ của Đoàn Luật sư gồm 05
nội dung cơ bản sau:
Một là, Thảo luận và thông qua Báo cáo
tổng kết, hoạt động của Đoàn Luật sư trong nhiệm kỳ và phương hướng, kế hoạch
hoạt động nhiệm kỳ tiếp theo; thảo luận Báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ của Ban Chủ
nhiệm, Hội đồng Khen thưởng, kỷ luật.
Hai là, Thông qua báo cáo tài chính của
Đoàn Luật sư trong nhiệm kỳ.
Ba là, Thông qua Nội quy Đoàn Luật sư
hoặc sửa đổi, bổ sung Nội quy (nếu có).
Bốn là, Bầu ban Chủ nhiệm, Chủ nhiệm, Hội
đồng Khen thưởng, kỷ luật của Đoàn Luật sư.
Năm là, Bầu đại biểu dự Đại hội Đại biểu
luật sư toàn quốc lần thứ IV.
Việc
tổ chức Đại hội nhằm tổng kết, đánh giá một cách toàn diện hoạt động của Đoàn
Luật sư; những tồn tại hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và những
bài học kinh nghiệm; đề ra phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ tiếp theo. Đồng
thời, qua Đại hội bầu những luật sư đủ phẩm chất đạo đức, năng lực và điều kiện
vào các cơ quan của Đoàn Luật sư nhằm xây dựng và phát triển Đoàn Luật sư ngày
một vững mạnh. Đại hội cũng yêu cầu tổ chức theo đúng quy định của Luật Luật
sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các văn bản hướng dẫn.
Về nhân sự của đại hội nhiệm kỳ Đoàn
Luật sư:
Ban
Chủ nhiệm, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư do Đại hội luật sư của Đoàn Luật sư bầu ra,
có nhiệm kỳ 05 năm theo nhiệm kỳ của Đại hội nhiệm kỳ Đoàn Luật sư, trừ trường
hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật. Nhiệm kỳ của Ban Chủ nhiệm Đoàn
Luật sư kết thúc khi Đại hội nhiệm kỳ của Đoàn Luật sư bầu ra Ban Chủ nhiệm
mới. Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư có Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên. Số
lượng Phó Chủ nhiệm, Ủy viên của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư do Nội quy Đoàn
Luật sư quy định hoặc Đại hội luật sư quyết định.
Chủ nhiệm Đoàn Luật
sư phải có đủ các tiêu chuẩn theo quy định. Một luật sư chỉ được bầu làm Chủ
nhiệm Đoàn Luật sư nhiều nhất không quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp tính đến thời
điểm tổ chức Đại hội nhiệm kỳ Đoàn Luật sư, trừ
trường hợp đặc biệt, nhưng cũng không được quá 03 nhiệm kỳ liên tiếp và phải có
ý kiến đồng ý của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư do Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật
sư bầu ra trong số thành viên của Ban Chủ nhiệm. Đối với Ban Chủ nhiệm Đoàn
Luật sư có dưới 05 luật sư thì Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư có thể do Đại hội
luật sư bầu trong số các thành viên Ban Chủ nhiệm. Phó Chủ nhiệm và Ủy viên Ban
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư phụ trách lĩnh vực công tác, thực hiện nhiệm vụ, công
việc theo sự phân công của Ban Chủ nhiệm, Chủ nhiệm và chịu trách nhiệm trước
Chủ nhiệm và Ban Chủ nhiệm về lĩnh vực công tác, nhiệm vụ và công việc được giao.
Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn Luật sư do Đại hội
luật sư bầu ra, theo nhiệm kỳ của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư. Hội đồng khen
thưởng, kỷ luật gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Chủ tịch, các
Phó Chủ tịch Hội đồng khen thưởng, kỷ luật do Hội đồng bầu ra trong số các
thành viên của Hội đồng. Số lượng thành viên của Hội đồng khen thưởng, kỷ luật
do Đại hội luật sư quyết định.
Luật sư thuộc một trong các trường hợp sau thì không được ứng
cử, nhận đề cử để bầu vào Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư: Đã bị Đoàn Luật sư, Liên
đoàn Luật sư Việt Nam hoặc tổ chức đoàn thể mà luật sư đó tham gia xử lý kỷ
luật trong nhiệm kỳ; Đang bị Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam thụ lý
xem xét xử lý kỷ luật; Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị áp dụng
biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục
bắt buộc.
Thời
gian tổ chức Đại hội luật sư được tổ chức theo nhiệm kỳ 05 năm một lần, trừ
trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật nhưng không được quá 06
tháng./.
Mỹ Oanh